Từ đầu năm 2020, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã phối hợp với Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng cùng triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến tại hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Mỹ Đức (Mỹ Đức - Mỹ Tú - Sóc Trăng). Hiệu quả của chương trình đã được chứng minh qua đợt thu hoạch lúa vừa qua, khi nhận được những phản ứng tích cực từ những người nông dân tham gia.
Mô hình canh tác lúa tiên tiến của Đạm Cà Mau tại HTX Mỹ Đức, Mỹ Tú, Sóc Trăng.
“Chúng tôi rất bất ngờ…”
Đợt hạn mặn vừa qua diễn ra ở các tỉnh khu vực ĐBSCL khiến nhiều người nông dân trồng lúa phải ngậm ngùi bỏ đi những khoảnh ruộng đã bị nhiễm mặn; thế nhưng, ở xã Mỹ Đức, nhiều hộ nông dân đã “cứu” được ruộng lúa khỏi hạn, mặn một cách ngoạn mục. Bà Trần Thị Thu Yến (huyện Mỹ Tú) là một điển hình khi đã từng có ý định trục bỏ hết ruộng để sạ lại vì sau khi xuống giống được hơn 10 ngày nhưng cây chỉ lên được khoảng 5cm mà rất èo uột (vì lý do phèn, mặn…), nhưng được lời khuyên từ các cán bộ của chương trình xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến nên ruộng lúa đã được “giải cứu” kịp thời.
“Nhìn đồng lúa èo uột, với kinh nghiệm nhiều năm trồng lúa, tôi biết được rằng nếu giữ lại thì chắc chắn sẽ mất mùa nên quyết định trục bỏ để sạ lại. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và được các cán bộ kỹ thuật của Công ty Đạm Cà Mau và Viện lúa ĐBSCL khuyên nên giữ lại theo dõi và khắc phục vì có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật và hy vọng xử lý được. Nói thật, lúc đó tôi cũng không tin tưởng lắm nhưng vì không còn gì để mất, thôi ráng tin tưởng những người có kỹ thuật, biết đâu…”, bà Yến cho biết.
Kết quả là, cuối vụ vừa qua ruộng lúa nhà bà Yến không những được khắc phục tình trạng sơ yếu, còi cọc mà còn cho năng suất cao (gần 8 tấn/ha), chi phí lại giảm đi phân nửa nên ước tính vụ này bà lời được gần 40 triệu/ha (đã được hỗ trợ giống, phân, thuốc); sâu bệnh cũng giảm hẳn so với lúc bà canh tác theo cảm tính.
“Nếu như đợt đó không theo lời khuyên của cán bộ kỹ thuật mà trục bỏ để sạ lại và gặp trận hạn mặn nặng nề như vừa qua thì có khi mất trắng”, bà Yến nói.
Cũng khá bất ngờ về mô hình canh tác lúa tiên tiến, ông Lê Hữu Thành (xã Mỹ Đức, huyện Mỹ Tú), cho biết, nhiều năm trồng lúa, ban đầu cũng khá nghi ngờ khi cán bộ hướng dẫn sạ thưa hơn, bỏ ít phân hơn. Tuy nhiên, kết quả là sau khi thu hoạch vụ này, bước đầu ông đã nắm được nhiều kỹ thuật tiên tiến như việc sạ thưa sẽ ít tốn giống và thực hiện bón phân theo đúng hướng dẫn của cán bộ Đạm Cà Mau sẽ giúp tiết kiệm lượng phân bón 20 - 30% mà năng suất tăng 10%, ít sâu bệnh hẳn.
“Tôi rất bất ngờ về kết quả canh tác này, bước đầu đã phá vỡ nhiều quan điểm sai lầm rằng cứ sạ nhiều, bón phân nhiều… thì lúa sẽ cho năng suất cao”, ông Thành chia sẻ.
Đánh giá về chương trình, ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đức nói: “Hiện nay, các thành viên của HTX rất yên tâm vì cách sản xuất mới, công nghệ mới từ chương trình canh tác lúa tiên tiến như máy sạ lúa giúp hạn chế thất thoát giống, hạn chế thuốc BVTV... Nông dân ở đây ai cũng mong chương trình sẽ kéo dài, được cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông và trạm BVTV tỉnh hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, chăm sóc cây lúa và cán bộ thị trường của Đạm Cà Mau tiếp tục theo sát bà con nông dân hướng dẫn bón phân theo từng giai đoạn hợp lý, không chỉ tiết kiệm phân bón mà còn mang lại năng suất cao cho cây lúa…”.
Nông dân vui mừng vì năng suất lúa tăng cao.
Nông dân trồng lúa sẽ dần chủ động hơn với biến đổi khí hậu
Chương trình xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến được triển khai từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4 trên diện tích 40ha lúa tại HTX Nông Nghiệp Mỹ Đức (Sóc Trăng) với hơn 20 hộ nông dân tham gia. Mục đích của chương trình là giúp người nông dân trồng lúa dần thay đổi tư duy sản xuất cũ để dần thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo đó, không chỉ hợp tác với Viện lúa ĐBSCL triển khai ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa tiên tiến, đạt năng suất và chất lượng trong chương trình sản phẩm lúa gạo quốc gia, Đạm Cà Mau còn là nhà cung cấp bộ sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau, gồm: N46.Plus, N.Humate TE; Ure Bio; NPK Cà Mau; DAP Cà Mau và Kali Cà Mau; đi kèm là quy trình bón phân hiệu quả.
“Chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng phân bón hiệu quả (bón đúng liều lượng) cho bà con nông dân; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra độ mặn để khuyến cáo bà con lấy nước vào ruộng đúng thời điểm. Đây là công tác quan trọng trong giai đoạn hạn mặn đỉnh điểm diễn ra ở khu vực ĐBSCL vừa qua. Ngoài ra, trong giai đoạn khô hạn, chương trình còn áp dụng biện pháp quản lý nước AWD (ngập khô xen kẽ). Kết quả là nông dân tham gia chương trình đã đạt năng suất thậm chí vượt qua mong đợi, tiết kiệm chi phí…”, đại diện Đạm Cà Mau chia sẻ.
Cũng theo đại diện Doanh nghiệp này, hy vọng chương trình sẽ được tổ chức ở nhiều tỉnh thành khác, để nông dân tham gia và ứng dụng trong thực tiễn. Mục tiêu cuối cùng là nông dân trồng lúa hạn chế rui ro bởi ảnh hưởng của hạn mặn, năng suất đảm bảo, tiết kiệm và dần chủ động hơn với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay.